Chim yến làm tổ và nuôi con như thế nào?

Mùa sinh sản đến, từng đôi chim yến lại cùng nhau chọn cho mình một chỗ thích hợp để làm tổ. Vị trí này thường được cố định nhiều năm không đổi. Đây là lúc những chàng chim đực mới trưởng thành tự làm tổ để gọi mời chim mái đến ghép đôi. Yến là loài chim chung thủy, một khi đã ghép đôi thì chúng sẽ ở bên nhau cả đời. Còn đối với những cặp chim đã trải qua sinh sản thì chúng sẽ cùng nhau xây tổ.

(Nguồn ảnh: Yensaolovenest.com)

Chim yến làm tổ bằng nước dãi tiết ra từ hai tuyến nước bọt ở dưới lưỡi hai bên má. Mỗi buổi tối sau khi đi kiếm ăn về, yến lại bắt đầu công việc làm tổ. Nó há miệng tiết nước bọt và dùng mỏ quẹt qua quẹt lại, kéo những sợi nước bọt đan thành chiếc tổ. Chim yến làm tổ nhiều nhất từ 20 giờ đêm đến 3 giờ sáng hôm sau và làm cho đến khi đẻ trứng thì dừng lại. Thời gian hoàn thành tổ trung bình khoảng 45 ngày. Tổ chim hoàn thành có màu trắng, hình bán nguyệt, nhỏ nhắn nằm trong lòng bàn tay. Những tổ yến không khai thác sau khi chim non rời tổ thì chim bố mẹ sẽ sử dụng lại cho lần đẻ sau.

Chim yến đẻ và ấp trứng trong tổ (Nguồn ảnh: congnghenuoiyen.com)

Sau khi làm tổ xong, yến bắt đầu giao phối, chúng thường giao phối trước khi đẻ trứng vài ngày, sau khi đẻ trứng thứ 2 thì không giao phối nữa. Quá trình giao phối diễn ra đó là chim trống bay đậu trên lưng chim mái, đồng thời vỗ hai cánh liên tục, mỏ chim cắn vào phần cổ chim mái để giữ thăng bằng. Phần đuôi chim trống vập xuống, đuôi chim mái đưa qua một bên để thực hiện quá trình giao phối. Bởi vậy, chim mái thường có lông ở phần cổ và phần đuôi bị xơ và bị mất lông.

Chim yến thường chỉ đẻ 2 quả trứng màu trắng, mỏng manh nhỏ xíu như trứng chim sẻ. Ban ngày, chim trống và chim mái luân phiên nhau ấp trứng và đi kiếm ăn; vào ban đêm thì một con ấp, con còn lại bám trên thành tổ, luân phiên đổi ca ấp cho nhau. Thời gian trứng gần nở, chim mái tăng cường thời gian ấp trứng, chim đực khi đó sẽ đảm nhiệm công việc đi kiếm mồi và mớm mồi cho chim mái ăn. Khi ấp chim thường dùng mỏ để đảo trứng cho đều.

Yến thường chỉ đẻ hai trứng (Nguồn ảnh: samyenlinhchi.com)

Sau khoảng 21 – 25 ngày thì trứng đầu tiên nở. Thời gian nở của hai quả trứng cách nhau khoảng 2 – 4 ngày. Khi chim non vừa nở ngày đầu tiên, chim bố mẹ không cho ăn mà nằm ấp ủ ấm 1 – 2 ngày, sau đó mới đi kiếm ăn. Khi đi kiếm ăn thì cả chim bố và mẹ đều bay đi, nhưng một con đi trước một con đi sau. Thời gian đầu chim non dưới 10 ngày tuổi thì chim bố mẹ vẫn ấp để sưởi ấm cho chúng từ 1 - 2 giờ, sau khi chim non đã mọc lông và cứng cáp hơn thì chim bố mẹ chỉ quay về mớm mồi.

Quá trình sinh trưởng của chim yến non ( Nguồn ảnh: phuoclong.nhatrang.khanhhoa.gov.vn)

Số lần chim bố mẹ cho chim non ăn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và tùy từng giai đoạn phát triển của chim non, chim non càng lớn số lần cho ăn giảm do quãng đường đi kiếm ăn của chim bố mẹ xa và thời điểm đó chim non cũng đã đủ sức đề kháng có thể nhịn đói được. Tuy lượng thức ăn chim bố mẹ đem về là như nhau, nhưng giữ hai chim non trong tổ luôn có sự tranh giành, con nào khỏe hơn sẽ giành được nhiều thức ăn hơn và lớn nhanh hơn. Do đó, tuy trung bình thời gian một con chim yến non từ khi nở ra đến khi lớn là vào khoảng 45 ngày, nhưng có một số chim non do được cung cấp đầy đủ thức ăn hơn mà thời gian sinh trưởng ngắn lại, chỉ khoảng 35 - 40 ngày.

Như vậy, tổng cộng một chu kỳ sinh sản của chim yến từ khi bắt đầu làm tổ đến khi chim non trưởng thành là từ 115 - 132 ngày. Một năm chim yến có thể sinh sản khoảng 3 lần, số lần sinh sản còn tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn thức ăn...

Nguồn: Tổng hợp